Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa,
thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được
25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự
án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt
180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Riêng trong 6 tháng năm 2018, chúng ta đã
thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp
vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ
sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20%
GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu
ngân sách.
Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh
vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp
phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí,
điện tử, viễn thông…
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài tạo việc làm,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay,
khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và
5-6 triệu lao động gián tiếp.
Đầu tư nước ngoài còn góp phần nâng cao
trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh
tế, doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt,
tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Thông qua các dự án FDI, trình độ công
nghệ sản xuất trong nước được nâng cao so với thời kỳ trước. Do sự cạnh tranh
ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong
nước cũng cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để
sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu. Đây là
chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia
công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.
FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ
với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công
nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh
nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng,
một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định
về xử lý môi trường.
"Phải thừa nhận, mục tiêu về chuyển
giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công
nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng
yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Nguyễn
Thế Phương khẳng định.
Nguồn Báo đầu tư