Tiếp nối thành công chuỗi khóa đào tạo “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà cung cấp tại Việt Nam" trên khắp cả nước sau khóa học học tổ chức lần đầu trong 2 ngày 16-17/06/2023, DIZA phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiếp tục tổ chức khóa đào tạo 2 ngày 10-11/11/2023 tại Đồng Nai.
Tham dự khóa đào tạo có ông Nguyễn Quốc Ấn - Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, về phía UNDP có Ông. Yuji Shinohara - Chuyên gia phân tích quản trị, Ông. Nguyễn Văn Huấn – chuyên gia rà soát quyền con người. Về phía Trường đại học Kinh tế quốc dân có PGS.TS Lê Quang Cảnh – Quyền Viện trưởng, Bà. Nguyễn Ngọc Hiên, Chuyên gia rà soát; các giảng viên của chương trình đến từ UNDP, Trường đại học Kinh tế Quốc dân; và hơn 45 học viên đến từ các doanh nghiệp tại Đồng Nai.
Hình 1: Ông Nguyễn Quốc Ấn – Phó Trưởng ban phát biểu khai mạc khóa học
Những năm gần đây, thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm là một trong những vấn đề quan trọng đối với chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, giai đoạn 2023-2027. Cùng với tiến trình này, các tổ chức xã hội được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, tư vấn và giám sát để cùng doanh nghiệp và nhà nước thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam, góp phần nâng cao sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp, tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.
Để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, điểm mấu chốt chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được hiểu là mang tính khuyến khích; còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như: người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó tuân thủ quy định pháp luật liên quan chỉ là yêu cầu tối thiểu. Cụ thể, thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần: nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Khoá bồi dưỡng đã cung cấp thông tin, thảo luận về kinh doanh có trách nhiệm, hướng dẫn quy trình, phương pháp rà soát việc đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm với các bên liên quan trong hoạt động kinh doanh và quy định/tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới kinh doanh có trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu của các đối tác kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Hình 2: Học viên chụp hình lưu niệm sau khóa học