Đồng Nai chủ trương thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, ưu tiên lựa chọn các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và tăng thu ngân sách.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, vấn đề giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu trong sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai đã từng bước định hình.
Mục tiêu đến năm 2025, hơn 80% doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển các khu công nghiệp mới, có tính chất chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường, xã hội... Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, theo đuổi mục tiêu “Net zero", chọn lọc trong thu hút đầu tư với những dự án có công nghệ tốt, hàm lượng chất xám cao, những dự án thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh trong các KCN và trung tâm logistics.
Tỉnh ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ và những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình chuyển giao khoa học kỹ thuật. Với chính sách phát triển công nghiệp xanh và bền vững của chính quyền địa phương, khoảng 05 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hầu hết có máy móc công nghệ đáp ứng yêu cầu của tỉnh và những dự án được chấp thuận đều thuộc những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư.
Sự ưu ái mời gọi dự án ngành công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai đã phát huy hiệu quả, dù đa số các dự án vẫn có quy mô vốn khá nhỏ, song bước đầu một số dự án công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn cũng đã tìm đến.
Các dự án hiện hữu cũng ngày càng chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chủ trương không phát thải là mục tiêu và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nỗ lực giảm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đến mức thấp nhất, với nhiều giải pháp như đầu tư điện mặt trời áp mái, hệ thống lò hơi đốt bùn thải, sử dụng công nghệ tái tuần hoàn nước thải... Nhiều dự án, nhà máy sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch ở các KCN trong tỉnh liên tục đi vào hoạt động như nhà máy sản xuất vi mạch sử dụng công nghệ cao, môi trường sản xuất sạch của Công ty On Semiconductor Việt Nam (vốn đầu tư của Mỹ) hoạt động tại KCN Biên Hòa II, Nhà máy chế biến hạt cà phê khử caffein có công nghệ tách caffein hiện đại nhất, thân thiện với môi trường của Công ty Nestlé Việt Nam (vốn đầu tư của Thụy Sĩ) tại KCN Amata...
Tình hình thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan, các dự án FDI thu hút mới trong năm 2024 cũng chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt;… với suất đầu tư bình quân 7,8 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 79 người/ha; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động.