I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện cải cách hành chính
a) Một số chỉ đạo nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung CCHC trong quý III năm 2024 là:
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định “xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 08/9/2024 về Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 đã xác định “Tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cắt giảm TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi".
- Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ tám trực tuyến với 63 địa phương, nhằm đánh giá kết quả CCHC 6 tháng đầu năm 2024. Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã nêu 05 quan điểm, mục tiêu CCHC trong thời gian tới, là: (1) Đẩy mạnh rà soát vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước; trên cơ sở đó tháo gỡ, huy động nguồn lực toàn xã hội, nguồn lực trong nước và ngoài nước để thúc đẩy phát triển. (2) Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý những vướng mắc, bất cập của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là vướng mắc về TTHC. (3) Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện CCHC. (4) Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số; số hóa cơ sở dữ liệu, số hóa hồ sơ; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chia sẻ, khai thác dữ liệu. (5) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành đối với tất cả các giao dịch liên quan đến tài chính; góp phần chống tiêu cực, lãng phí, giảm chi phí tuân thủ cho người dân.
Thủ tướng họp trực tuyến với 63 tỉnh/thành tại phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Nguồn: http://www.caicachhanhchinh.gov.vn)
b) Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai CCHC tại các bộ, ngành, địa phương:
Trong quý III/2024, Bộ Nội vụ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác CCHC; tiếp nhận 90 đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh, trên cơ sở đó đã thực hiện rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 90/90 đề xuất, kiến nghị, đạt tỷ lệ 100%.
Trong quý III/2024, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 588 văn bản, các địa phương đã ban hành 1.521 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC đã đề ra. Theo thống kê, cập nhật, kế hoạch CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 983 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 2.776 nhiệm vụ và phân công rõ thời gian, trách nhiệm triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Tính đến ngày 23/9/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 535 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 54,43% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.768 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 63,69% so với kế hoạch đề ra.
2. Công tác tuyên truyền, kiểm tra CCHC
Trong quý III/2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh triển khai công tác thông tin, tuyên truyền CCHC. Bản tin điện tử CCHC của Văn phòng Ban Chỉ đạo tiếp tục cung cấp thông tin cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, địa phương về những kết quả, giải pháp, kinh nghiệm, sáng kiến CCHC hay đang được áp dụng, triển khai có hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương. Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện phát sóng các phóng sự chuyên sâu về CCHC hoặc lồng ghép với các chương trình khác để tuyên truyền, lan tỏa những cách làm hay, mô hình mới và những điển hình tại các bộ, ngành, địa phương. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC tại các địa phương tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng kết hợp với tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về CCHC.
Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2024, trong quý III/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra tại các địa phương. Các bộ, ngành đã tiến hành kiểm tra tại 87 cơ quan, đơn vị trực thuộc, kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 08/08 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 100%; các địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 535 cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 298/762 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra , đạt tỷ lệ 39,11%; qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
3. Cải cách TTHC
- Về rà soát, đơn giản hóa quy định TTHC và các điều kiện kinh doanh: Tổng số quy định kinh doanh (QĐKD) được cắt giảm trong 8 tháng đầu năm 2024 là 226 QĐKD tại 26 văn bản QPPL.
- Về phân cấp trong giải quyết TTHC: Tổng số TTHC đã được các bộ, ngành phân cấp từ đầu năm đến tháng 8/2024 là 142 TTHC tại 24 văn bản QPPL (11 Nghị định và 13 Thông tư).
- Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025: Tính đến tháng 8/2024, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 84 TTHC nội bộ, đang tiếp tục thực hiện đơn giản hóa 94 TTHC nội bộ được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt phương án theo thẩm quyền; các đa phương đã đơn giản hóa 357 TTHC nội bộ, đang tiếp tục thực hiện đơn giản hóa 555 TTHC nội bộ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án theo thẩm quyền.
- Thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư: Tổng số TTHC được đơn giản hóa trong 8 tháng năm 2024 là 278 TTHC tại 27 văn bản QPPL.
- Về vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia: Việc đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến ngày 23/9/2024, đã có 4.454 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.649 thủ tục của người dân, 2.372 thủ tục của doanh nghiệp), trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Đăng ký tạm trú; Xác nhận thông tin cư trú; Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước (thực hiện tại cấp tỉnh),...
- Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương. Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân cả nước đạt 98,74%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các bộ, cơ quan Trung ương đạt 98,79%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,54%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của UBND cấp huyện đạt 97,2%, UBND cấp xã đạt 99,43%.
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo đó đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ; Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
- Về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã: Triển khai thực hiện Kết luận số 48- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tính đến ngày 20/9/2024, Bộ Nội vụ đã nhận được hồ sơ Đề án của 50 tỉnh, thành phố, trong đó đã tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án của 45 tỉnh, thành phố. Đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp ĐVHC của 03 địa phương (Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 03 hồ sơ (Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra hồ sơ của tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và thành phố Cần Thơ); đang trình Chính phủ hồ sơ của 10 tỉnh. Đến nay còn 03 tỉnh chưa gửi hồ sơ Đề án về Bộ Nội vụ.
5. Cải cách chế độ công vụ
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 9/7/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45- NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
- Về chính sách tiền lương: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐCP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
6. Cải cách tài chính công
- Về thể chế quản lý tài chính - ngân sách nhà nước: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội; Nghị định số 78/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước, theo đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2024.
- Về quản lý, sử dụng tài sản công: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác,...
- Về giải ngân vốn đầu tư công: Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, 8 tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thịsố 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
7. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
- Về hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 6/9/2024 quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
- Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử: Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index - EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam được xếp hạng ở vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022; lần đầu tiên được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất Cao và đạt vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CTTTg ngày 4/9/2024 về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia (Nghị quyết số 175/NQ-CP).
- Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ 20, tại thời điểm đánh giá ngày 28/8/2024, Chỉ số về cung cấp dịch vụ trực tuyến có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại các bộ, ngành, đạt 38,51% (1.059.060/2.750.196 hồ sơ); tại các địa phương đạt 50,75% (1.353.787/2.667.580 hồ sơ). Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 44,88% (162/361 TTHC), tại các địa phương đạt 51,16% (705/1.378 TTHC); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính tại các bộ, ngành đạt 18,77% (25.608/136.399 hồ sơ), tại các địa phương đạt 45,3% (976.952/2.156.693 hồ sơ); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 40,08% (1.096.314/2.734.660 hồ sơ), tại các địa phương đạt 60,15% (1.604.549/2.667.580 hồ sơ); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 40,63% (1.111.362 kết quả giải quyết TTHC/2.735.283 kết quả cần cấp), tại các địa phương đạt 61,07% (1.629.091 kết quả giải quyết TTHC/2.667.580 kết quả cần cấp); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành đạt 1,81% (49.386/2.728.508 hồ sơ), tại các địa phương đạt 15,34% (419.451/2.734.361 hồ sơ).
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 3 THÁNG CUỐI NĂM 2024
1. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; có giải pháp cụ thể, thiết thực, quyết liệt, tạo đột phá mạnh mẽ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024 của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động năm 2024. Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2024; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai xác định Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh năm 2024 và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024.
3. Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị tại bộ, ngành, địa phương, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
4. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC gắn với chuyển đổi số, rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
5. Tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
6. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
7. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 0622; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Tổng hợp từ Báo cáo quý III/2024 của Bộ Nội vụ