Ngày 27/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với 73 điều, có hiệu lực từ 01/10/2025. Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước – trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một số điểm chính doanh nghiệp cần quan tâm:
Đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu – đổi mới sáng tạo:
Nhà nước ưu tiên phát triển hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, kết nối hạ tầng giữa viện nghiên cứu – trường đại học – doanh nghiệp; hình thành trung tâm nghiên cứu trình độ cao gắn với đào tạo nhân lực.
Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ:
Luật nhấn mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, làm chủ và sáng tạo công nghệ; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào sản xuất, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, miền núi thông qua đầu tư hạ tầng, nhân lực và chuyển giao.
Cơ chế khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm – chia sẻ rủi ro:
Lần đầu tiên có quy định cụ thể về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ. Doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nhiệm vụ đúng quy trình, không gian lận, vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí hình sự khi rủi ro khách quan xảy ra.
Ưu tiên đầu tư vào công nghệ đột phá – lĩnh vực chiến lược:
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ưu tiên lĩnh vực công nghệ có khả năng tạo đột phá, phát triển hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, thử nghiệm có kiểm soát.
Thu hút, phát triển nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao:
Luật quy định chính sách đặc thù để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ chiến lược quốc gia.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp thông tin đến các doanh nghiệp trong các KCN biết để chủ động nghiên cứu, chuẩn bị phương án đổi mới công nghệ, tiếp cận chính sách hỗ trợ khi Luật có hiệu lực, góp phần phát triển sản xuất – kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.