Tỉnh Đồng Nai có vị trí quan trọng trong “tứ giác" kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), là điểm kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương nên việc phát triển hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư khá lớn chủ trương đột phá phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững. Điều đó góp phần đưa Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu ngân sách và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bên cạnh các yếu tố, điều kiện thuận lợi khác và sự nỗ lực không ngừng trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương.
Đồng Nai hiện có hệ thống hạ tầng phát triển khá toàn diện, bao gồm: Giao thông, đô thị, thủy lợi, bến cảng, KCN, viễn thông, công trình thủy điện... Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng nâng cấp, phát triển đồng bộ. Hàng loạt công trình giao thông đã hoàn thành và đang được thi công mang lại diện mạo mới, kỳ vọng trở thành điểm nhấn trong phát triển hạ tầng kinh tế để Đồng Nai tiếp tục bứt phá, điển hình như: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết...
Trong các năm tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành các tuyến đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh cũng như kết nối giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầy Giây - Tân Phú, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4. Đặc biệt, trong tương lai khi dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được triển khai, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những đô thị văn minh, hiện đại với điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Sân bay Biên hòa được Thủ tướng chấp thuận chuyển thành sân bay lưỡng dụng; và đặc biệt sân bay quốc tế Long thành đang triển khai, dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành có vị trí chiến lược đặc biệt, vô cùng quan trọng không chỉ đối với cả nước mà còn là động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh Đồng Nai, là thỏi nam châm thu hút đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh Đồng Nai chủ trương tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào các ngành nghề phù hợp với cam kết của Chính phủ đối với quốc tế, trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa kết nối các chuỗi sản xuất toàn cầu; chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 48 KCN, trong đó 33 KCN đã có nhà đầu tư, tỉnh Đồng Nai đang tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm tỉnh Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án Khu công nghiệp như: Bàu Cạn- Tân hiệp (1.000 ha), Xuân Quế - Sông Nhạn (1.000 ha), Long Đức 2, Cẩm Mỹ... để sớm có quỹ đất thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2024 vừa qua cũng là nền tảng pháp lý để Đồng Nai hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước; đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không... với sân bay Long Thành, sông Đồng Nai làm động lực mới cho phát triển đột phá; thu hút đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến việc phát huy nhân tố con người, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.
Bên cạnh đó, với chủ trương Lựa chọn Nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó phải nâng cao tính sẵn sàng trong đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư; phải minh bạch trong tiếp cận thông tin và công tâm lựa chọn Nhà đầu tư, nhà thầu; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp gắn với nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SI-PAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Sẵn sàng tiếp, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.