Sáng ngày 24/12/2024, Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tại TP.HCM và Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Chủ trì Hội thảo, Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị Hội thảo tập trung một số vấn đề cần lưu ý về cách thức hỗ trợ pháp lý, những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, Hội thảo tập trung phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ, trong đó phổ biến những chính sách mới nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhìn chung đã được các sở, ban, ngành, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh chóng, được giới thiệu, tập huấn kịp thời các chế độ, chính sách, pháp luật đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, kế hoạch; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn những khó khăn, vướng mắc: Hệ thống pháp luật tại Việt Nam chưa thật sự ổn định, nhiều quy định thay đổi liên tục, không rõ ràng, thiếu đồng bộ. Điều này tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và tuân thủ. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu nguồn lực để theo dõi và thực hiện các thay đổi này. Mặc dù có một số chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhưng đa phần vẫn chưa được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả thực tế. Các doanh nghiệp thường thiếu thông tin về các chương trình này hoặc không biết cách tiếp cận các cơ hội hỗ trợ.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật (Bộ Tư pháp), đánh giá cao tính hiệu quả của Hội thảo, ghi nhận những ý kiến của các đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, những bất cập quy định pháp luật, đồng thời góp ý, đề xuất các cách làm hay, giải pháp khả thi trong thời gian tới. Qua đó sẽ giúp cho việc chỉnh sửa, hoàn thiện quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ; giúp công tác quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ổn định và hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp…