• image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ QUÝ I/2024

       ​   I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

          1. Công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện cải cách hành chính

          Năm 2024, cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (Nghị quyết số 01/NQ-CP), xác định chủ đề điều hành của năm là: “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững"; trong đó, xác định “tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính; tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia". Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm về rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; rà soát, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh; đổi mới quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển.

          Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính một cách đồng bộ, tích cực thông qua việc kịp thời ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Theo thống kê, trong Quý I/2024, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 173 văn bản, các địa phương đã ban hành 1087 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 802 nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 2.653 nhiệm vụ và phân công rõ thời gian, trách nhiệm triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện; có nơi cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Tính đến ngày 21/3/2024, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 155 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 19,33% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 611 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 23,03% so với kế hoạch đề ra.

          2. Công tác tuyên truyền, kiểm tra cải cách hành chính

          Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với yêu cầu, tình hình hình mới và từng nhóm đối tượng, gắn với việc tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

          Kiểm tra cải cách hành chính tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, duy trì, tăng cường,với việc hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thanh tra Chính phủ đã chủtrì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan tổ chức các đoàn thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại 06 Bộ và 03 địa phương. Theo thống kê ban đầu, trong Quý I/2024, đã có một số địa phương chủ động triển khai công tác kiểm tra công vụvà cải cách hành chính tại 152 cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với các vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

          3. Triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023

          Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương tổchức triển khai Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là bộ) và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh), kịp thời đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc các bộ, các tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ. Trên cơ sở kết quả tự chấm của các bộ, các tỉnh, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan có liên quan triển khai hoạt động thẩm định, đánh giá xác định kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, các tỉnh, bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng trong đánh giá, xếp hạng. Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã triển khai khảo sát khoảng gần 50.000 phiếu dành cho đối tượng lãnh đạo, quản lý các cấp theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện khảo sát trên 40.000 người dân để phục vụ xác định Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương tổng hợp, phân tích dữ liệu, xây dựng, hoàn thiện Báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 để họp Hội đồng thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt để tổ chức công bố trong đầu Quý II/2024.

          4. Cải cách thể chế

          Trong Quý I/2024, Chính phủ đã tổ chức 02 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, qua đó kịp thời chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, các dự án văn bản quy phạm pháp luật đã có trong chương trình, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, kiên quyết khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản; ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

          Trong Quý I/2024, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 44 Thông tư và tham mưu, trình Chính phủ 32 Nghị định, HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành khoảng hơn 742 văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế-xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến cải cách hành chính. Về xây dựng văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 21/3/2024, tổng số văn bản quy định chi tiết được giao là 75 văn bản, đã hoàn thành 33/75 văn bản, 03/75 văn bản quá hạn, 39/75 văn bản đang thực hiện trong hạn.

          Công tác theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách chủ động từ Trung ương đến địa phương; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024.

          Về kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Trong quý I/2024, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận để kiểm tra theo thẩm quyền 101 văn bản; đôn đốc cơ quan ban hành hoàn thành việc xử lý đối với 20 văn bản có quy định trái pháp luật đã được kết luận trong năm 2023.

          2. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

          Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ theo Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024. Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 tới các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, ngành, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh phân cấp giải quyết TTHC. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết tháng 2/2024, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 658/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 61%; có 06 bộ, ngành đã hoàn thành thực thi 100% phương án đơn giản hóa; đã có 17/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp trong giải quyết TTHC, tổng số TTHC được phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg (tính từ năm 2022) là 195/699 TTHC, đạt 27,8%.

          Về công bố, công khai TTHC: Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 21/3/2024, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 1.544 quyết định công bốTTHC sửa đổi, bổsung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện TTHC. Theo thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 21/3/2024, cả nước có 6.317 TTHC, trong đó 3.835 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.328 TTHC thực hiện tại địa phương và 1728 TTHC ngành dọc tại địa phương.

          Về vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia: Việc đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến ngày 21/3/2024, đã có 4.535 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.623 thủ tục của người dân, 2425 thủ tục của doanh nghiệp), trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Đăng ký thường trú; cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam,... Theo thống kê, đến ngày 21/3/2024 đã có trên 300 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có gần 38,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

          Trong Quý I/2024 kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân cả nước đạt 96,29%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các bộ, cơ quan Trung ương đạt 96,76%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 97,63%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của UBND cấp huyện đạt 92,06%, UBND cấp xã đạt 98,69%.

          3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

          Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, đáp ứng nguyên tắc, các tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định tại Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mình; bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ.

          Bộ Nội vụ đã có báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủt rình Bộ Chính trị về nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính, ĐVSNCL theo tinh thần Nghị quyết số18-NQ/TW, Nghị quyết số19-NQ/TW và Kế hoạch số07-KH/TW; đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 2/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiến hành rà soát, báo cáo, đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành và thống kê, tổng hợp về tổ chức phối hợp liên ngành mà bộ, cơ quan ngang bộ đang được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực. Triển khai các hoạt động tổng kết thi hành Luật tổ chức Chính phủ, tổ chức các hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tham mưu xây dựng các đề án: Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh"; Đề án đánh giá hoạt động của chính quyền cấp xã giai đoạn 2016-2021 và định hướng phát triển đến năm 2030; Đề án Nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 về Kế hoạch xây dựng Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

          Về vị trí việc làm, Bộ Nội vụ đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong cơ quan tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong ĐVSNCL, xin ý kiến của các bộ, ngành. Trong Quý I/2024, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện các quy định về xác định vị trí việc làm của công chức và người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số106/2020/NĐ-CP.

          4. Cải cách chế độ công vụ

          Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, xác định cụ thể tiêu chuẩn cho từng chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp Thứ trưởng và tương đương tới cấp phó phòng và tương đương, làm căn cứ cho công tác đánh giá, xem xét, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, là căn cứ để áp dụng tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, cơ quan thuộc Chính phủ, bộ máy hành chính giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

          Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch số 551/KH-BNV ngày 30/01/2024 tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Viên chức (sửa đổi); trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ). Triển khai các hoạt động phục vụ công tác kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024; thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024 và triển khai xây dựng câu hỏi và đáp án phục vụ công tác kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để phù hợp với quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức; phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành triển khai sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp với quy định của Luật Viên chức; tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

          Về chính sách tiền lương: Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP ngày 20/02/2024 về chế độ phụ cấp đặc biệt đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang công tác tại xã Chơ Chun và xã Đắc Tôi thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

          5. Cải cách tài chính công

          Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên cơ sở triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công. Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đẩy mạnh triển khai kết nối dữliệu vào Kho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công. Rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.

          Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công cùng với sự vào cuộc chủ động các bộ, ngành, địa phương, theo đó đã đạt được những kết quả tích cực.Theo báo cáo của BộTài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 02/2024 đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cao hơn cùng kỳ năm 2023, đạt 6,97%).

          Về đổi mới đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế tựchủ, đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; bên cạnh đó, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đang tích cực rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

          Về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 3/2024, đã có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, trong đó có 14 doanh nghiệp thuộc Trung ương (gồm: 09 doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 02 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng; 02 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính; 01 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng) và 63 doanh nghiệp thuộc các địa phương quản lý.

          6. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

          Thể chế về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.   Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.

          Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành tiếp tục được khai thác, vận hành có hiệu quả, đã kết nối 10 cơ sở dữ liệu, 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP; hàng ngày có trung bình khoảng 3,7 triệu giao dịch. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 90 hội nghị, phiên họp của Chính phủvà thực hiện xử lý 2082 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 701 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

          Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đặc biệt là DVCTT toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, có nhiều giải pháp chỉ đạo nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, tỷ lệ DVCTT một phần tính trên tổng TTHC là 81,12%; tỷ lệ DVCTT toàn trình tính trên tổng TTHC là 48,28%; tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình đạt 100%.

          Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tại thời điểm đánh giá ngày 27/02/2024: Chỉ số về cung cấp dịch vụ trực tuyến có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại các bộ, ngành, đạt 8,89% (664.196/7.468.260 hồ sơ); tại các địa phương, đạt 14,58% (514.281/3.525.613 hồ sơ). Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 39,34% (131/333 TTHC), tại các địa phương đạt 52,03% (641/1.232 TTHC); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính tại các bộ, ngành đạt 44,34% (74.072 /167.052 hồ sơ), tại các địa phương đạt 35,12% (420.323/1.196.840 hồ sơ). Chỉ số về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC: Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 50,73% (663.636/1.308.296 hồ sơ), tại các địa phương đạt 52,07% (606.493/1.164.766 hồ sơ); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 50,73% (663.686 kết quả giải quyết TTHC/1.308.296 kết quả cần cấp), tại các địa phương đạt 52,07% (606.494 kết quả giải quyết TTHC/1.164.766 kết quả cần cấp); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành đạt 1,77% (23.117/1.306.050 hồ sơ), tại các địa phương đạt 8,69% (101.952 /1.173.210 hồ sơ).

          II. TỒN TẠI, HẠN CHẾVÀ NGUYÊN NHÂN

          1. Tồn tại, hạn chế

           Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.

          - Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi còn thấp, động lực làm việc không cao, tinh thần cải cách chưa mạnh mẽ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa cao.

          - Việc kết nối, chia sẻ, khai thác CSDL quốc gia về dân cư, các CSDL chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các địa phương chưa thực sự thông suốt, còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; việc số hóa hồsơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả, tình trạng công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay cho công dân diễn ra khá phổ biến.

          - Các địa phương vẫn để xảy ra tình trạng chậm muộn, trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, doanh nghiệp (tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, lý lịch tư pháp); việc đồng bộ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công cấp tỉnh của các cấp chính quyền nhiều nơi chưa bảo đảm theo thời gian thực.

          2. Nguyên nhân

          - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính ở một số nơi còn hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới; người đứng đầu ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

          - Một số nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

          - Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế, chưa đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

          III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH QUÝ II/2024

          1. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; có giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụcải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủgiao, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đúng tiến độ.

          Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉđạo triển khai nhiệm vụcải cách hành chính; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá,  thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền vềcải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độthực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡkhó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

          2. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động năm 2024. Bộ Nội vụ hoàn thành, phê duyệt và tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, các tỉnh vào đầu Quý II/2024.

          3. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL. Triển khai, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số117/NQ-CP ngày 30/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025.

          4. Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC gắn với chuyển đổi số, rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn.

          5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (thay thế Nghị định 204/2004/NĐ-CP) và ban hành các thông tư hướng dẫn để thực hiện các quy định về chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.

          6. Tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. BộTài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.

            7. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt. Các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phươngphục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06.​

​- VĂN PHÒNG TỔNG HỢP -

Vũ Thị Ngọc Thủy

Các tin khác

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc

Các đơn vị kết nghĩa

HƯỞNG ỨNG “TUẦN LỄ ÁO DÀI VIỆT NAM” NĂM 2024
HƯỞNG ỨNG “TUẦN LỄ ÁO DÀI VIỆT NAM” NĂM 2024
HƯỞNG ỨNG “TUẦN LỄ ÁO DÀI VIỆT NAM” NĂM 2024
Họp mặt đầu năm 2024
Họp mặt đầu năm 2024
Họp mặt đầu năm 2024
Xem thêm

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐỒNG NAI
Địa chỉ: Số 26, đường 2A, KCN Biên Hòa II, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại​: (0251) 3892378 - Fax: (0251) 3892379
Email: bqlkcn@dongnai.gov.vn  - Website: https://diza.dongnai.gov.vn​
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Trí Phương - Trưởng ban ​
​Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai​



Chung nhan Tin Nhiem Mang